Hôm nay, 17/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » TUYÊN TRYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Quy định mới về chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Chủ nhật - 01/10/2023 14:55
Ngày 30/6/2023, Bộ Khoa học và công nghệ ban hành Thông tư số 12/2023/TT- BKHCN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/8/2023.

Theo đó: Sự cố bức xạ và hạt nhân (sau đây gọi tắt là sự cố) là tình trạng mất an toàn bức xạ; mất an toàn hạt nhân; mất an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân. Hành động bảo vệ là hành động nhằm giảm thiểu chiếu xạ, tránh hoặc ngăn chặn bị chiếu xạ do sự cố gây ra.

1. Nguyên tắc, yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và hoạt động ứng phó sự cố

- Công tác chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố phải tuân theo các nguyên tắc sau: Hành động bảo vệ phải bảo đảm mang lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại do hành động đó gây ra; hình thức, phạm vi và khoảng thời gian áp dụng các hành động bảo vệ phải tối ưu để lợi ích thực tế đạt được là tối đa; kế hoạch ứng phó sự cố được xây dựng phải bảo đảm việc ứng phó sự cố được tiến hành kịp thời, được quản lý, kiểm soát, phối hợp đồng bộ và hiệu quả từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia; phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó rõ ràng; chỉ đạo trong ứng phó sự cố theo nguyên tắc tập trung thống nhất; chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đồng bộ với việc chuẩn bị ứng phó sự cố khác.

- Hoạt động ứng phó sự cố phải đạt được các yêu cầu sau: Kiểm soát được diễn biến sự cố và giảm thiểu hậu quả; bảo vệ tính mạng con người; phòng tránh hoặc giảm thiểu hiệu ứng tất định nghiêm trọng; cung cấp các biện pháp cứu trợ ban đầu và điều trị nạn nhân; giảm thiểu rủi ro của hiệu ứng ngẫu nhiên; cung cấp thông tin và bảo đảm niềm tin của công chúng; ngăn chặn tối đa khả năng xảy ra hậu quả phi phóng xạ đối với cá nhân và công chúng; giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và môi trường; tạo tiền đề thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố lâu dài và cho việc lập kế hoạch chuẩn bị đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường.

2. Yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố cụ thể như sau:

- Tổ chức và quản lý trong hoạt động ứng phó sự cố ban chỉ huy các cấp có trách nhiệm: Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố trong và ngoài cơ sở; đánh giá thông tin cần thiết để ban hành các quyết định huy động nguồn lực trong suốt quá trình xảy ra sự cố.

- Xác nhận sự cố, thông báo và khởi động hệ thống ứng phó: Khi có thông tin liên quan tới sự cố, đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các cấp phải xác nhận sự cố, xác định mức báo động và thông báo tới Ban chỉ huy cấp tương ứng để xem xét, khởi động ứng phó sự cố; thời gian xác nhận sự cố, thông báo và khởi động hệ thống ứng phó được thực hiện theo quy định.

Thực hiện các biện pháp giảm thiểu hậu quả: Đội ứng phó ban đầu căn cứ tình hình cụ thể và mức tiêu chí chung để tiến hành các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu hậu quả sự cố do nhóm nguy cơ IV gây ra; cơ sở thuộc nhóm nguy cơ I, II, III và IV có trách nhiệm thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu hậu quả của sự cố. Các nguồn lực hỗ trợ ứng phó sự cố các cấp, bao gồm phương tiện kỹ thuật, thông tin liên lạc, thuốc dự phòng, địa điểm sơ tán và các nhu yếu phẩm khác phải đáp ứng việc hỗ trợ ứng phó sự cố đối với các cơ sở, sự cố thuộc nhóm nguy cơ I, II và III.

- Tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố có trách nhiệm: Ưu tiên thực hiện tất cả biện pháp thích hợp để cứu người; thực hiện hành động bảo vệ khẩn cấp theo quy định; thay đổi hành động bảo vệ phù hợp với diễn biến sự cố; chấm dứt hành động bảo vệ khi không còn phù hợp.

- Ban chỉ huy các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin và hướng dẫn công chúng: Căn cứ trên mức báo động, điều kiện cụ thể và các số liệu quan trắc tại hiện trường đưa ra cảnh báo kịp thời và hướng dẫn hành động bảo vệ cho công chúng theo thẩm quyền; cung cấp thông tin, kịp thời, chính xác, rõ ràng nhằm hạn chế việc phát tán thông tin sai lệch.

- Bảo vệ nhân viên ứng phó: Tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân viên, kiểm soát liều theo quy trình đã được xây dựng trong Kế hoạch ứng phó sự cố và theo quy định.

- Tổ chức, cá nhân được phân công đánh giá mức báo động có trách nhiệm: Căn cứ mức độ nghiêm trọng và khả năng gây ra hậu quả của sự cố để xác định mức báo động theo quy định; tiến hành kiểm xạ và phân tích mẫu môi trường nhằm kịp thời xác định mối nguy hiểm và điều chỉnh biện pháp ứng phó; cung cấp thông tin về tình trạng sự cố và kiến nghị hành động bảo vệ phù hợp.

- Ứng phó y tế: Tổ chức, cá nhân khi phát hiện biểu hiện bệnh lý do bức xạ gây ra có trách nhiệm thông báo tới đầu mối tiếp nhận thông tin; tổ chức y tế có trách nhiệm tiến hành các biện pháp sơ cứu ban đầu và thông báo tới đầu mối tiếp nhận thông tin khi phát hiện biểu hiện bệnh lý do bức xạ gây ra. Cá nhân bị chiếu xạ, nhiễm xạ phải được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế có năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ.

- Kiểm soát lương thực, thực phẩm và bảo vệ dài hạn: Ban chỉ huy cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp và kiểm soát việc phân phối, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo quy định; ban chỉ huy các cấp có trách nhiệm tổ chức việc quản lý chất thải phóng xạ do sự cố gây ra.

- Chấm dứt hành động bảo vệ, thông báo mức sự cố và phục hồi môi trường: Ban chỉ huy các cấp có trách nhiệm: Xác định thời điểm và thông báo chấm dứt hành động bảo vệ; đánh giá mức sự cố theo quy định; tổ chức việc đánh giá liều chiếu xạ nghề nghiệp cho nhân viên thực hiện hoạt động phục hồi môi trường; ban chỉ huy quyết định kết thúc phục hồi môi trường khi đáp ứng các điều kiện sau: Mức liều hiệu dụng tiềm năng không quá 10 mSv/năm; đã áp dụng các biện pháp phục hồi môi trường để giảm thiểu liều hiệu dụng tiềm năng.

 

 

PHỤ LỤC I

NHÓM NGUY CƠ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2023/TT-BKHCN ngày 30/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

 

Nhóm nguy cơ I

Định nghĩa: Nhóm nguy cơ I là các cơ sở mà sự cố xảy ra bên trong cơ sở (kể cả sự cố có xác suất xảy ra rất thấp) có khả năng làm gia tăng những hiệu ứng tất định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của công chúng bên ngoài cơ sở.

Cơ sở điển hình thuộc nhóm nguy cơ I:

- Lò phản ứng với công suất ≥ 100 MW (th) (lò năng lượng, tàu chạy năng lượng hạt nhân và các lò nghiên cứu).

- Bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng có thể chứa các thanh nhiên liệu đã cháy có tổng lượng hoạt độ lớn hơn 1017 Bq Cs-137 (tương đương với khả năng lưu giữ trong lõi lò phản ứng công suất 3000 MW (th)).

- Các cơ sở lưu giữ chất phóng xạ có thể phát tán gây nên hiệu ứng tất định nghiêm trọng ngoài khu vực.

Nhóm nguy cơ II

Định nghĩa: Nhóm nguy cơ II là các cơ sở mà sự cố xảy ra bên trong cơ sở có khả năng làm gia tăng liều cho công chúng ở bên ngoài cơ sở và cần phải có hành động bảo vệ khẩn cấp theo các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Nhóm nguy cơ II không bao gồm các cơ sở thuộc nhóm nguy cơ I.

Cơ sở điển hình thuộc nhóm nguy cơ II:

- Lò phản ứng với công suất từ 2 MW (th) tới 100 MW (th).

- Bể chứa nhiên liệu đã cháy yêu cầu hoạt động làm lạnh.

- Các cơ sở có khả năng mất kiểm soát giới hạn trong phạm vi 0,5 km từ đường biên ngoài khu vực cơ sở.

- Các cơ sở lưu giữ chất phóng xạ có thể phát tán gây nên liều yêu cầu thực hiện hành động bảo vệ khẩn cấp ngoài khu vực.

Nhóm nguy cơ III

Định nghĩa: Nhóm nguy cơ III là các cơ sở mà sự cố xảy ra bên trong cơ sở có khả năng làm gia tăng liều hoặc nhiễm xạ cần phải tiến hành các hành động bảo vệ khẩn cấp bên trong cơ sở.

Cơ sở điển hình thuộc Nhóm nguy cơ III:

- Cơ sở có khả năng gây suất liều chiếu ngoài trực tiếp ≥ 100 mGy/h tại khoảng cách 1m nếu che chắn bị mất.

- Cơ sở có khả năng mất kiểm soát giới hạn từ 0,5 km trở lên tính từ biên ngoài khu vực cơ sở.

- Lò phản ứng với công suất ≤ 2 MW (th).

- Cơ sở có lượng lưu giữ chất phóng xạ có thể phát tán gây nên liều yêu cầu thực hiện hành động bảo vệ khẩn cấp trong khu vực của cơ sở.

Nhóm nguy cơ IV

Định nghĩa: Nhóm nguy cơ IV là các hoạt động và hành động có thể gây ra sự cố bức xạ, hạt nhân mà cần thực hiện hành động bảo vệ tại một khu vực bất kỳ.

Nhóm nguy cơ IV có thể bao gồm:

- Các hoạt động tiến hành công việc bức xạ được cấp phép;

- Các hoạt động trái phép như việc buôn bán, tàng trữ bất hợp pháp nguồn phóng xạ, hành động phá hoại, khủng bố;

- Các nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát;

- Phát hiện mức tăng bức xạ từ một nguồn chưa biết hoặc hàng hóa bị nhiễm xạ;

- Xác định triệu chứng lâm sàng do chiếu xạ;

- Sự cố xuyên quốc gia không nằm trong nhóm nguy cơ V phát sinh từ một sự cố bức xạ hoặc hạt nhân tại quốc gia khác.

Nhóm nguy cơ V

Định nghĩa: Nhóm nguy cơ V là các khu vực nằm trong vùng và khu vực chuẩn bị ứng phó sự cố (PAZ, UPZ, EPD, ICPD) của một quốc gia đối với một cơ sở thuộc nhóm nguy cơ I hoặc II của một quốc gia khác.

 

Nguyễn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy webiste này thế nào ?

Đẹp, nội dung phong phú

Nội dung phong phú

Không đẹp lắm

Xấu, nội dung tẻ nhạt